BỆNH VIỆN HỮU NGHỊ VIỆT NAM - CU BA
Vì nụ cười của bạn!

Vắc xin COVID-19 của Oxford/AstraZeneca: những điều cần biết

Nhóm chuyên gia tư vấn chiến lược (SAGE) về tiêm chủng của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa ra khuyến cáo tạm thời về việc sử dụng vắc xin COVID-19 của Oxford/AstraZeneca COVID-19 (AZD1222). 

 

Ai cần được tiêm vắc xin phòng COVID-19 trước?

Trong khi nguồn cung ứng vắc xin còn hạn chế, khuyến cáo đưa ra là cần ưu tiên tiêm phòng cho cán bộ y tế là những người có nguy cơ cao phơi nhiễm bệnh và người cao tuổi, bao gồm những người từ 65 tuổi trở lên.

Các nước có thể tham khảo Lộ trình ưu tiên của WHO và Khung giá trị của WHO làm tài liệu hướng dẫn cho quá trình lựa chọn các nhóm đối tượng ưu tiên.

Còn những ai khác có thể được tiêm phòng vắc xin?

Theo khuyến cáo, tiêm vắc xin phòng COVID-19 được dành cho những người có bệnh lý nền do họ được xác định là có nguy cơ mắc COVID-19 nặng hơn, trong đó có các bệnh như béo phì, bệnh tim mạch, bệnh hô hấp và đái tháo đường. 

Mặc dù cần phải tiến hành thêm nghiên cứu trên những người đang chung sống với HIV hoặc mắc bệnh tự miễn hoặc những người bị suy giảm miễn dịch, những người này, nếu nằm trong các nhóm được khuyến cáo tiêm vắc xin, có thể được tiêm phòng vắc xin sau khi được cung cấp thông tin và tư vấn. 

Việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 có thể được dành cho những người đã từng mắc COVID-19. Nhưng những cá nhân này có thể hoãn việc tiêm phòng COVID-19 khoảng 6 tháng sau khi nhiễm SARS-CoV-2 để trao cơ hội cho những người khác cần gấp hơn.

Việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 có thể được dành cho phụ nữ đang cho con bú nếu họ thuộc nhóm ưu tiên được tiêm. WHO không khuyến cáo ngưng cho con bú mẹ sau tiêm phòng COVID-19. 

Phụ nữ mang thai có cần phải tiêm phòng?

Việc mang thai khiến cho bà mẹ có nguy cơ bị COVID-19 nặng hơn nhưng hiện tại có rất ít số liệu đánh giá tính an toàn của vắc xin trong thời kỳ mang thai. 

Phụ nữ mang thai có thể được tiêm phòng vắc xin nếu lợi ích của việc tiêm phòng ở phụ nữ mang thai lớn hơn nguy cơ tiềm ẩn do vắc xin. 

Vì lý do này, phụ nữ mang thai có nguy cơ cao phối nhiễm với vi rút SARS-CoV-2 (ví dụ, cán bộ y tế) hoặc người mắc bệnh nền tăng nguy cơ mắc bệnh nặng, có thể được tiêm vắc xin phòng bệnh sau khi được cán bộ y tế tư vấn.

Những ai được khuyến cáo không tiêm vắc xin này?

Những người có tiền sử có phản ứng dị ứng nặng với bất cứ thành phần nào của vắc xin thì không nên tiêm.

Vắc xin này không khuyến cáo dùng cho người dưới 18 tuổi nhưng còn phải chờ kết quả của các nghiên cứu tiếp theo.

Liều tiêm theo khuyến cáo như thế nào?

Liều khuyến cáo là 2 liều, tiêm bắp (0.5ml mỗi liều) các liều, cách nhau 8 – 12 tuần. 

Cần nghiên cứu thêm để hiểu rõ khả năng bảo vệ lâu dài sau liều đơn.  

Vắc xin có an toàn không?

Hai phiên bản của vắc xin do AstraZeneca-SKBio (Hàn Quốc) và Viện Huyết thanh Ấn Độ sản xuất đã được WHO phê duyệt đưa vào danh sách sử dụng khẩn cấp vào ngày 15 tháng 2 năm 2021. Trước khi được SAGE xem xét phê duyệt, vắc xin cũng đã được Cơ quan Dược phẩm Châu Âu (EMA) phê chuẩn.

Cơ quan Quản lý Dược phẩm Châu Âu đã đánh giá kỹ các dữ liệu về chất lượng, tính an toàn và hiệu quả của vắc xin, và đã khuyến cáo cấp phép lưu hành thị trường tạm thời cho những người từ 18 tuổi trở lên.

Bộ Y tế Việt Nam cũng đã phê duyệt có điều kiện đối với vắc xin này để sử dụng khẩn cấp trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19 vào ngày 01 tháng 02 năm 2021.

Ủy ban Tư vấn Toàn cầu về An toàn Vắc xin – là một nhóm các chuyên gia cung cấp hướng dẫn độc lập và có cơ sở khoa học chặt chẽ cho WHO về chủ đề sử dụng vắc xin an toàn – đã nhận và đánh giá các báo cáo về sự cố an toàn nghi ngờ có khả năng gây ảnh hưởng quốc tế. 

Vắc xin có hiệu lực như thế nào?

Vắc xin AZD1222 phòng chống COVID-19 có hiệu lực 63,09% trên những người nhiễm SARS-CoV-2 có triệu chứng.

Khoảng cách giữa các liều dài hơn trong khoảng thời gian từ 8 đến 12 tuần có liên quan đến hiệu quả vắc xin cao hơn.

Vắc xin có hiệu quả đối với biến thể mới của vi rút?

SAGE đã đánh giá mọi dữ liệu hiện có về hiệu lực của vắc xin trong bối cảnh xuất hiện các biến thể gây lo ngại. Hiện tại SAGE khuyến cáo sử dụng vắc xin AZD1222 theo Lộ trình Ưu tiên của WHO, thậm chí ngay cả khi các biến thể của vi rút đã xuất hiện ở quốc gia đó. Các nước cần đánh giá rủi ro và lợi ích và cân nhắc tình hình dịch tễ trong nước.

Các phát hiện ban đầu cho thấy nhu cầu cấp bách cần phải có cách tiếp cận phối hợp trong giám sát và đánh giá sự xuất hiện các biến thể vi rút và tác động tiềm ẩn của chúng đối với hiệu quả vắc xin. Khi có số liệu mới, WHO sẽ cập nhật các khuyến cáo phù hợp. 

Vắc xin có phòng ngừa được việc mắc và lây truyền bệnh?

Chưa có nhiều số liệu về tác động của vắc xin AZD1222 đối với việc lây truyền hay phóng thích vi rút.

Trong thời gian này, chúng ta cần duy trì và tăng cường các biện pháp y tế công cộng đã được chứng minh hiệu quả: đeo khẩu trang, giữ khoảng cách an toàn khi tiếp xúc, rửa tay, vệ sinh đường hô hấp và quy tắc che miệng khi ho, tránh nơi đông người, và đảm bảo thông thoáng khí.

Tính đến ngày 19 tháng 4 năm 2021, vắc xin AstraZeneca đã được chứng minh là an toàn và hiệu quả trong việc bảo vệ mọi người khỏi các nguy cơ cực kỳ nghiêm trọng của COVID-19, bao gồm tử vong, nhập viện và mắc bệnh nặng. Mời bạn đọc tuyên bố ngày 16 tháng 4 năm 2021 của Ủy ban Cố vấn Toàn cầu của WHO về An toàn vắc xin đối với vắc xin AstraZeneca COVID-19, trong đó bao gồm các báo cáo về các tác dụng phụ rất hiếm gặp. Hội đồng các tổ chức quốc tế về khoa học y tế phân loại tỷ lệ các tác dụng phụ của thuốc và vắc xin như sau:

• Rất phổ biến > 1/10 

• Phổ biến (thường xuyên) > 1/100 and < 1/10 

• Không phổ biến (không thường xuyên) >1/1000 and < 1/100 

• Hiếm> 1/10000 and <1/1000 

• Rất hiếm < 1/10000

Nguồn: Tổ chức Y tế Thế giới